TP.HCM – NHÀ Ở XÃ HỘI – NHU CẦU CẤP THIẾT DÀNH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Ông Trần Trọng Tuấn – Ảnh: TỰ TRUNG |
Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng TP sẵn sàng học cách làm hay của các tỉnh, TP. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở giá nhà 100 triệu đồng mà ở chỗ phát triển nhà giá rẻ với giá linh hoạt, hợp lý để đa số người dân có thể mua được nhà.
* Vừa qua lãnh đạo TP đã xuống tham quan nhà ở 100 triệu đồng của Bình Dương. Theo ông, có thể phát triển mô hình nhà ở 100 triệu đồng cho TP.HCM?
– Phát triển NƠXH cũng phải gắn với chỉ tiêu dân số, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, trường học, nhà trẻ… Căn hộ không chỉ là nơi ở, nó còn gắn với điều kiện, không gian sống để quyết định chất lượng sống ở đó.
Việc xây dựng nhà thu nhập thấp vẫn phải xem xét đầy đủ các tiêu chuẩn về nhà ở, quy định xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt.
Ở đây nói đến nhà giá rẻ tại TP.HCM phải làm sao đưa ra định hình khung, mức giá đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của chủ đầu tư, người thu nhập thấp và xã hội. Không chủ doanh nghiệp nào bỏ tiền ra mà làm không có lời cả. Bản thân người mua nhà cũng muốn nhà có chất lượng, ổn định lâu dài.
Đồng thời, mô hình nhà đó cũng phải đảm bảo không gian phát triển đô thị bền vững, không thể phát triển tách rời quy hoạch. Cho nên nhà ở 100 triệu đồng, TP.HCM vẫn làm được, nhưng không khuyến khích. Nếu có làm thì cũng làm rất ít, với những vị trí phù hợp, thỏa mãn điều kiện và chỉ làm ở các khu công nghiệp, đáp ứng cho đối tượng công nhân…
* Mức giá mà ông nói phải đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của các bên theo ông là khoảng bao nhiêu để số đông người thu nhập thấp ở TP.HCM có thể mua được?
– Theo tôi, nhà ở giá khoảng 500 triệu đồng, thấp nhất là 300 triệu đồng, sẽ đáp ứng được nhu cầu của số đông người thu nhập thấp tại TP.HCM. Hiện nay tại TP.HCM, NƠXH dưới 1 tỉ đồng bán rất tốt.
Nói điều đó có nghĩa là nhà ở cho người thu nhập thấp phải đa dạng loại hình, sản phẩm, vừa có loại 1 tỉ, các loại dưới 1 tỉ, loại 500 triệu, 300 triệu đồng… để đáp ứng nhu cầu các hộ gia đình có điều kiện thu nhập khác nhau.
Vấn đề là chủ đầu tư cũng phải tính toán một cách hợp lý trong phân khúc, tính rõ ở khu vực đó, ở địa bàn đó đối tượng khách hàng nhắm tới là ai.
Tính toán thiết kế chi tiết diện tích, chỉ tiêu, mật độ, hệ số sử dụng đất, quy mô bao nhiêu tầng, trong từng tầng mặt sàn bao nhiêu căn, diện tích mỗi căn… Từ đó, cơ quan chức năng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như các thủ tục khác.
* Thực tế nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp tại TP là rất lớn. Hiện nay TP đã có lộ trình như thế nào để giải bài toán nhà ở này, thưa ông?
– Hiện Sở Xây dựng TP đang tham mưu lộ trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở của TP đến năm 2025. Còn kế hoạch từ đây đến năm 2020, TP phát triển 39 dự án, với quy mô 45.000 căn. Các dự án này đã và đang triển khai thi công.
Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 30.000 căn hộ hoàn thành. Trong đó, đang tính toán sơ bộ có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán, 20% còn lại là nhà ở thương mại để bù đắp chi phí.
Với 20% căn hộ cho thuê để giải quyết nhu cầu cho người thu nhập thấp, không đủ điều kiện mua nhà, chủ đầu tư phải tính toán giá cho thuê hợp lý để người thu nhập thấp tiếp cận được.
Sau chuyến tham quan của lãnh đạo TP.HCM tại các dự án nhà ở 100 triệu đồng của Bình Dương, nhiều người mong TP có chính sách đột phá để người thu nhập thấp có thể mua nhà – Ảnh: Bá Sơn |
* Còn những chủ đầu tư muốn đầu tư vào dự án NƠXH giá rẻ để bổ sung sản phẩm cho thị trường, Nhà nước cần tạo điều kiện như thế nào?
– Trước hết phải tiếp tục làm mạnh về cải cách hành chính trong năm nay. Ví dụ để được cấp phép xây dựng, hiện nay chủ đầu tư cần thực hiện ba thủ tục: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép. Để hoàn tất ba thủ tục này phải kéo dài ít nhất 75 ngày.
Bây giờ, sở đã thống nhất tham mưu UBND TP xin ý kiến Bộ Xây dựng thí điểm trong 6 tháng quy trình gộp lại ba trong một. Có nghĩa là để thực hiện ba thủ tục trên, thay vì nộp hồ sơ ba lần, chủ đầu tư chỉ cần nộp hồ sơ một lần, rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục xuống còn 42 ngày.
Và áp dụng cơ chế giải quyết một cửa liên thông điện tử, nghĩa là chủ đầu tư thay vì phải đi các sở, ngành thì Sở Xây dựng TP liên thông các sở bằng mạng điện tử. Việc rút ngắn thủ tục đầu tư giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu tư.
Theo thẩm quyền, sở, ngành phải đồng hành cùng doanh nghiệp để theo dõi, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn…
Ngoài ra, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận với nhà ở giá rẻ, Nhà nước cần có chính sách nới rộng thời hạn cho người thu nhập thấp vay mua nhà. Số tiền vay phải trả hằng tháng xuống mức thấp nhất, nằm ở khoảng 25% tổng thu nhập của hai vợ chồng người mua nhà/tháng.
Với người thu nhập thấp, dù nhà bán dưới 1 tỉ đồng nhưng số tiền trả vượt quá 25% thu nhập/tháng thì hai vợ chồng trẻ, chưa có con cũng không đủ khả năng để trang trải cuộc sống gia đình.